Tháng ngày độc thân để em thấy giá trị của cuộc sống


Sẽ đến một ngày, sẽ có một chàng trai xuất hiện và bước vào cuộc đời em, yêu và thương em mãi. Lúc đó, cuộc sống của em sẽ là những chuỗi ngày sống vì hai người, cho cả em và cả người ấy.

Thế nên, những tháng ngày tự do này khiến em thêm trân trọng những hạnh phúc mà mình đang có.

Độc thân để thấy nhiều hơn giá trị của cuộc sống này.

Em yêu cuộc sống độc thân của mình…

22 tuổi em vẫn bước đi một mình trên những con phố Hà Nội ồn áo và tấp nập.

Có những buổi chiều lang thang đâu đó, đột nhiên em cũng thấy chạnh lòng anh ạ.

Em thèm những cái nắm tay thật chặt như những đôi tình nhân ngoài kia, và bất chợt em siết chặt lấy đôi bàn tay của mình. Trống rỗng và lạnh lẽo.

Con gái mà, tâm trạng thường bất thường như thế phải không anh?

Sau những phút chạnh lòng đó, em vẫn yêu cuộc sống độc thân của mình, một cuộc sống độc thân của một cô gái 22 tuổi.

Độc thân là…

Em có thể đi đến từng ngõ ngách của Hà Nội một mình, lang thang cả ti tỉ lần ở đó nhưng cũng không thể tìm được lối ra.

Em có thể một mình đi quanh Hồ Gươm với nhiều ánh mắt dõi theo của các chàng trai khác.

Em có thể một mình đi khám phá những quán cà phê lạ và độc của Hà Nội.

Em có thể ngủ nướng cả ngày chủ nhật sau một tuần cố gắng học tập và chạy qua những chỗ làm thêm.

Em có thể tự do lên thời khóa biểu của mình mà không phải lo lắng đến thời gian trống của ai đó.

Em vẫn có thể ôm cái điện thoại hàng giờ đồng hồ, nhưng không phải là chờ đợi tin nhắn của ai đó mà là nhắn những tin nhắn cho mẹ và chị.

Em có thể mặc những gì mà em thích, có thể để kiểu tóc mà em muốn thay cho mái tóc dài để vừa ý của anh.

Em có thể hẹn cô bạn cũng phòng đi xem phim vào tối thứ tư hàng tuần rồi cũng nhau khen nức nở anh chàng nam chính đẹp trai dễ thương.

Em có thể thoải mái trò chuyện cùng với mọi người, kể cả những chàng trai đang có ý định tán tỉnh em. Anh biết không, cảm giác khi có ai đó theo đuổi quan tâm mình thật tuyệt vời.

Độc thân em được tự do làm những gì mình thích và theo đuổi những gì mình yêu thích.

Sẽ đến một ngày, sẽ có một chàng trai xuất hiện và bước vào cuộc đời em, yêu và thương em mãi. Lúc đó, cuộc sống của em sẽ là những chuỗi ngày sống vì hai người, cho cả em và cả người ấy.

Thế nên, những tháng ngày tự do này khiến em thêm trân trọng những hạnh phúc mà em đang có.

Em sẽ dừng lại để chờ hạnh phúc nơi anh


Yêu như một tách cà phê sữa có ngọt ngào vị sữa nhưng cũng đắng chát của vị cà phê. Nó có thể có chút lạnh lùng, có chút giả tạo, có chút dối lừa, chút vị mặn nước mắt, chút nhịp đập trái tim, chút ấm áp của một vòng tay. Chi bằng, một mình tự do tung cánh để khỏa lấp đi sự cô đơn không đáng có ấy.

Chào em, cô gái của gió.

Ai đó đã nói rằng, Thiên Bình là gió.

Những cơn gió ngao du qua những vùng trời xa xôi bất tận mà tôi không thể với tới. Bởi lẽ đó, đối với tôi, em thật khó để nắm bắt mà hẳn là không thể nào hiểu nổi một cơn gió.

Em biết không, những tưởng Thiên Bình là một cán cân ngang bằng, giúp cho cuộc sống này bình lặng hơn. Vì vậy, trong ấn tượng của tôi, em là một cô gái mạnh mẽ và kiên cường. Nhưng, Thiên Bình không phải là những vị thần tối thượng sở hữu nguồn năng lượng dồi dào không bao giờ cạn kiệt. Bởi vì có khi em cũng mệt mỏi, cũng yếu đuối.

Tôi ghét những cơn gió như em. Tôi ghét tất cả những gì thuộc về em, sự mơ mộng, ảo tưởng và những hão huyền chẳng dính gì đến thực tế. Nhưng, nếu có kiếp sau, tôi vẫn muốn trở thành một Thiên Bình như thế.

Tôi sợ thực tế, bởi đôi khi nó phũ phàng lắm em ạ. Lãng mạn một chút, mơ mộng một chút và yêu bản thân hơn một chút, có lẽ sẽ tốt hơn nhiều phải không?

Em là cô gái của gió. Em yêu sự tự do hay nói theo cái cách mà mọi người định nghĩa là độc thân. Độc thân thì sao chứ? Em sống cho chính bản thân em, sống cho cuộc đời ngày càng hạnh phúc, sống để cảm nhận tình yêu thương mà gia đình đã trân trọng dành riêng cho em chứ không phải sống vì một thằng con trai xa lạ nào đó vô tình lướt qua cuộc đời. Độc thân có gì không tốt? Em độc thân, em quyến rũ.

Đơn giản, em là chính bản thân em và em tự hào vì điều đó.

Có đôi khi, em cũng khao khát tình yêu, khao khát có ai đó để dựa vào khi em gục ngã. Em thấy những cô gái e ấp, mặt hồng hồng tựa vào vai người yêu. Em hâm mộ những anh chàng chu đáo quan tâm chăm sóc bạn gái thật tỉ mỉ. Em muốn nhận những lá thư tình chứa chan những câu chữ ngọt ngào. Em muốn nghe ai đó quan tâm hỏi han khi ngày nào đó dầm mưa ốm nặng.

Yêu, là một cảm giác tuyệt vời.

Yêu - như một tách cà phê sữa có ngọt ngào vị sữa nhưng cũng đắng chát của vị cà phê. Tình yêu không phải lúc nào cũng thật hoàn mĩ và đẹp đẽ như một viên pha lê long lanh không chút tì vết. Nó có thể có chút lạnh lùng, có chút giả tạo, có chút dối lừa, chút vị mặn nước mắt, chút nhịp đập trái tim, chút ấm áp của một vòng tay. Thứ tình yêu đó, em không muốn tin vào nó. Tình yêu, hai người, mỗi người một ngã, hai người cùng cô đơn. Chi bằng, một mình tự do tung cánh để khỏa lấp đi sự cô đơn không đáng có ấy.

Độc thân, là những cụm từ quá quen thuộc mà em có thể bắt gặp rất nhiều qua các trang mạng xã hội. Bây giờ còn được gọi là FA. Đôi lúc, em bắt gặp những câu chữ hay những khẩu hiệu vu vơ như “ế là xu thế của thời đại”, “ế vì tôi thích thế” hay “không phải vì ế mà đang chờ người tử tế để yêu”. Chúng như những lời biện minh của những người độc thân vậy. Em lại lắc đầu khó hiểu, FA thì sao đâu chứ.

Độc thân không có nghĩa là em cô đơn. Đâu nhất thiết phải có người yêu, có đôi có cặp thì mới được gọi là hạnh phúc. Cả một quãng đời tuổi thơ, em sống cùng ba mẹ, hưởng trọn cái hạnh phúc của một người làm con. Rồi em có bạn bè, những người mà em có thể thoải mái tâm sự tỉ tê suốt ngày không chán.

Em trưởng thành, em chín chắn, em vào đời và gia đình vẫn là điểm tựa vững chắc dang rộng tay với những yêu thương.

Hơn một người yêu, em cần cả một gia đình để yêu thương, cần một người bạn tri kỉ để có thể sẵn sàng nghe em kể về những buồn những vui nhỏ nhặt.

Em biết rồi đến một ngày nào đó sẽ có người bước vào cuộc đời này, bởi thế ngay bây giờ em đang yêu chính mình một cách hoàn hảo nhất. Em hài lòng với cuộc sống hiện tại. Em hài lòng với chính bản thân mình.

Thế giới này còn biết bao nhiêu thứ hay ho khác chờ em khám phá. Em còn có hoài bão, có ước mơ và nhiều điều cần phải thực hiện.

Em là gió và gió sẽ không bao giờ dứt. Lướt qua và không hề dừng lại như một quy tắc bất thành văn của cuộc sống.

Gió, chỉ có thể nhìn ngắm chứ không thể chạm vào.

Gió thổi tung vạn vật nhưng vẫn bừng sức sống.

Em là gió và em sẽ không để bất cứ điều gì ảnh hưởng đến cuộc sống mà em đang có.

Hãy cứ là chính mình, em nhé. Độc thân thú vị lắm. Em sống cho chính bản thân em, sống cho cuộc đời ngày càng hạnh phúc, sống để cảm nhận tình yêu thương mà gia đình đã trân trọng dành riêng cho em.

Này cô gái của gió, em thuộc về thiên nhiên, hãy tự thổi tung chính mình và đến bất kì đâu mà em muốn. Em không cần phải mạnh mẽ, không cần kiên nhẫn, không cần dịu dàng cũng chẳng cần thùy mị, hãy cứ là chính em, người con gái của mây trời, của thiên nhiên và của mọi người.

Đôi khi, ta dừng công việc tìm kiếm ấy lại và nhận ra hạnh phúc của bản thân khi còn có thể. Nhưng, đâu phải ai cũng dừng đúng lúc để chợt nhận ra rằng, hạnh phúc, ở đây rồi, gần lắm, đến nỗi chỉ cần vươn tay là có thể chạm được.

Hạnh phúc là gì mà con người cứ mải miết tìm kiếm rồi chợt nhận ra rằng nó ở ngay bên cạnh mình. Hãy dừng lại và đón chờ hạnh phúc nhé cô gái của gió.

Chính thức chốt phương án nghỉ Tết Âm lịch


Cho ý kiến về việc nghỉ Tết Âm lịch và hoán đổi ngày nghỉ hằng tuần vào dịp nghỉ lễ 2015 đối với cán bộ, công chức, viên chức, các thành viên Chính phủ thống nhất phương án nghỉ Tết Âm lịch 9 ngày, nghỉ Tết Dương lịch 4 ngày.

Cụ thể công chức, viên chức sẽ đi làm vào thứ Bảy (14/2/2015) để nghỉ liền từ ngày thứ Hai (15/2/2015) đến ngày 23/2/2015 (tức là từ 27 tháng Chạp năm Giáp Ngọ đến ngày mùng 5 tháng Giêng năm Ất Mùi). Phương án này sẽ không tồn tại ngày đi làm ngắt quãng, số ngày nghỉ trước và sau Tết không quá chênh lệch, nhận được sự đồng thuận cao do phù hợp với phong tục, tập quán của Việt Nam và nguyện vọng của người lao động.

Đồng ý với đề xuất của Bộ LĐTB&XH, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, các cơ quan phải thực hiện nghiêm túc ngày làm việc bù vào thứ Bảy trước khi nghỉ Tết.

Bộ LĐTB&XH cũng đã đề xuất phương án nghỉ Tết Dương lịch với việc công chức, viên chức đi làm bù vào ngày thứ Bảy (27/12) để nghỉ thứ Sáu (02/01/2015) nên tổng số ngày nghỉ Tết Dương lịch là 4 ngày, từ 01/01/2015- 04/01/2015.

Ngoài ra dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, Ngày Chiến thắng 30/4, Ngày Quốc tế Lao động 1/5 sẽ kéo dài 6 ngày liên tục.

Theo đó, công chức, viên chức sẽ đi làm thứ Bảy (25/4/2015) để nghỉ thứ Tư (29/4/2015), thời gian được nghỉ bắt đầu từ ngày 28/4/2015 (Ngày Giỗ tổ Hùng Vương) đến hết ngày 03/5/2015.

Các cơ quan, tổ chức hành chính sự nghiệp không thực hiện lịch nghỉ cố định 2 ngày (thứ Bảy, Chủ nhật) hằng tuần thì căn cứ vào chương trình, kế hoạch cụ thể của đơn vị để bố trí lịch nghỉ phù hợp.

DN, tổ chức sử dụng lao động khác tùy vào tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị để bố trí dịp lễ, Tết phù hợp quy định của pháp luật lao động.

Học sinh thế nào được tuyển thẳng vào ĐH?


Một trong những thông tin gây ngỡ ngàng cho nhiều người là trong danh sách các trường THPT chuyên mà ĐH Quốc gia TP.HCM xét tuyển thẳng năm 2015 không có những trường nổi tiếng lâu nay.


Học sinh Trường THPT chuyên Quang Trung (Bình Phước) nằm trong danh sách 5 trường chuyên có học sinh được xét tuyển thẳng vào ĐH Quốc gia TP.HCM năm tới - Ảnh: website Trường THPT chuyên Quang Trung

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, đã giải thích điều này trong cuộc trao đổi với PV Thanh Niên.

Ông Nghĩa cho biết năm tới sẽ xét tuyển thẳng học sinh các trường THPT chuyên trên toàn quốc. Tuy nhiên, do đây là năm đầu triển khai nên chỉ thí điểm với 5 trường THPT xuất sắc đứng đầu cả nước về kết quả kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2014, gồm: Phổ thông năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), chuyên Quang Trung (Bình Phước), chuyên Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định), chuyên ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội).


Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Không phải học sinh nào của trường cũng được xét

Có nhiều ý kiến tỏ ra ngạc nhiên khi danh sách này không có các trường THPT “đình đám” như chuyên Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) hoặc Hà Nội - Amsterdam. Ông nghĩ sao về điều này và việc xét tuyển thẳng dựa vào các tiêu chí nào?

Đã từng có nhiều ý kiến phản biện tương tự, nên chúng tôi không bất ngờ về điều này. Cơ sở để xác định trường có học sinh được tuyển thẳng là điểm thi trung bình của thí sinh từ kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2014. Điều này có được từ số liệu thống kê kết quả tuyển sinh cả nước. Đó là điểm trung bình của tất cả học sinh từng trường dự thi vào các trường ĐH cả nước ở các khối thi A, A1, B, C và D1. Mức điểm này đứng đầu là: Phổ thông năng khiếu với 22,7 điểm, kế đến là chuyên Quang Trung 22,53; chuyên Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) 22,23; chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) 22,22; chuyên ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) 22,01.

Ngoài ra còn dựa trên số liệu thống kê từ kết quả tuyển sinh ĐH nhiều năm liền. Chẳng hạn trường Phổ thông năng khiếu 3 năm liên tục đều đứng đầu cả nước.

Như vậy cứ là học sinh của 5 trường trong danh sách trên có thể yên tâm sẽ được tuyển thẳng vào ĐH Quốc gia TP.HCM năm nay?

Điều này không hẳn đúng. Thứ nhất là do rào cản chỉ tiêu, chúng tôi chỉ tuyển thẳng tối đa 5% chỉ tiêu theo từng ngành hoặc nhóm ngành đào tạo. Giả sử tất cả các ngành đều có thí sinh tuyển thẳng ở mức tối đa trên, thì toàn ĐH Quốc gia TP.HCM chỉ có gần 700 học sinh thuộc diện này. Nhưng trong số này còn có cả những học sinh được tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD-ĐT gồm những học sinh là thành viên đội tuyển quốc gia tham dự các kỳ thi quốc tế; đạt giải học sinh giỏi cấp quốc gia; học sinh các huyện nghèo…



Cơ sở để xác định trường có học sinh được tuyển thẳng năm 2015 là điểm thi trung bình của thí sinh từ kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2014



Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa

Thứ hai, quan trọng hơn là học sinh các trường THPT xuất sắc muốn được tuyển thẳng còn phải đạt đủ các tiêu chí tuyển thẳng đã đề ra. Đó là tốt nghiệp THPT đúng hạn vào năm 2015, hội đồng xét tuyển sẽ căn cứ trên kết quả học tập 5 học kỳ đầu THPT. Tối thiểu, điểm trung bình học tập này phải từ 7,0 trở lên. Ngoài ra, thư giới thiệu của giáo viên nơi học sinh học THPT và bài luận về định hướng bản thân khi làm hồ sơ tuyển thẳng cũng là căn cứ quan trọng để hội đồng đánh giá…

Thực tế, chúng tôi ước lượng chỉ khoảng 40 người được tuyển thẳng theo tiêu chuẩn vừa nêu. Ước lượng này hoàn toàn có cơ sở dựa vào kinh nghiệm tuyển sinh nhiều năm qua.

Năm 2016 sẽ mở rộng ra 10 trường

Trước đây ĐH Quốc gia TP.HCM có kế hoạch tuyển thẳng học sinh Trường Phổ thông năng khiếu nhưng chưa được Bộ GD-ĐT phê duyệt. Đề án tuyển sinh riêng năm 2015 thực hiện tuyển thẳng học sinh giỏi 5 trường THPT chuyên kể trên, cùng với số liệu ông vừa phân tích phải chăng là một động thái “hiện thức hóa” kế hoạch này?

Đúng là trước đây chúng tôi từng có kế hoạch tuyển thẳng học sinh Trường Phổ thông năng khiếu nhưng chưa được Bộ chấp nhận. Nay việc tuyển thẳng trong Đề án tuyển sinh 2015 chính là thực hiện kế hoạch trên, nhưng cái khác là quy mô trường chuyên toàn quốc chứ không chỉ trường của ĐH này. Không chỉ dừng lại ở đó, năm 2016 căn cứ trên kết quả kỳ thi quốc gia, chúng tôi sẽ xem xét tuyển thẳng học sinh 10 trường THPT đứng đầu cả nước.

Điểm trung bình thí sinh 5 trường THPT kỳ tuyển sinh ĐH năm 2014



Trải qua “3 bộ lọc"


Trước ý kiến cho rằng tiêu chí điểm thi ĐH năm 2014 được sử dụng để lựa chọn trường được tuyển thẳng có vẻ phiến diện khi còn nhiều tiêu chí khác để đánh giá một học sinh giỏi, tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban Đào tạo ĐH và sau ĐH, ĐH Quốc gia TP.HCM cho rằng đây là tiêu chí tốt nhất trong thời điểm hiện nay.

Theo ông Chính, để đánh giá năng lực học tập của học sinh trên diện rộng với quy mô gần 3.000 trường THPT thì không có tiêu chí nào tốt hơn kỳ thi tuyển sinh ĐH do Bộ tổ chức. Dù chỉ có tính tương đối, nhưng đó là cơ sở chung nhất hiện nay. Theo ông Chính, thực ra những học sinh được tuyển thẳng sắp tới đều phải trải qua “3 bộ lọc”: điểm thi ĐH năm 2014 để chọn ra 5 trường, kết quả học tập bậc phổ thông, chỉ tiêu cần tuyển. “Những học sinh giỏi ở các trường THPT khác vẫn sẽ là đối tượng tuyển thẳng được ưu tiên trước nếu đạt đủ điều kiện theo quy định của Bộ, chỉ tiêu còn lại của mỗi ngành sau đó mới tính đến học sinh giỏi của 5 trường THPT xuất sắc trên”, ông Chính khẳng định.

Tuy nhiên, các đề xuất này vẫn chờ có ý kiến của Bộ GD-ĐT.

Chủ tịch tỉnh Bình Dương giàu cỡ nào?

Biệt thự của ông Lê Thanh Cung

Câu chuyện về tài sản của ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương được Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương xác nhận. Theo đó, vị lãnh đạo này sở hữu hàng chục hécta cao su gây sửng sốt trong dư luận. Hơn hết, hàng chục hécta đất cao su đã được cấp trái phép.

Hàng chục hécta đất vào tay ông chủ tịch như thế nào?

Ngày 4-9, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương đã tổ chức họp giao ban báo chí quý III/2014. Ông Nguyễn Minh Giao, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương xác nhận, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung hiện đang sở hữu vài chục hécta cao su. Ông Giao đã đưa ra thông tin khiến dư luận như “xóa tan” ngờ vực về việc ông Lê Thanh Cung đang sở hữu lô đất cao su hơn 100ha. Cũng tại buổi giao ban báo chí này, ông Giao còn khẳng định, trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2004, ông Cung có thu nhập 50 triệu đồng/ngày. Đối với người dân Việt Nam, thu nhập của Chủ tịch tỉnh Bình Dương thuộc hàng “khủng”.

Nhưng nếu như vườn cao su ông Cung có được từ thừa kế của người thân hay do lao động bằng năng lực thì chắc hẳn chẳng ai quan tâm. Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP HCM phân tích: UBND huyện Bến Cát đã có sai phạm khi giao đất nông nghiệp cho Phó chủ tịch nay là Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương sử dụng.

Thời điểm từ tháng 1-1997 đến tháng 12-2000, hàng chục hécta cao su bỗng dưng như từ trên trời rơi xuống theo “quyền lực” của lãnh đạo tỉnh. Lô đất của ông Cung lại “nằm gọn” trong 980,137ha của Công ty Chế biến cây công, nông nghiệp xuất khẩu tỉnh Bình Dương (tên viết tắt: Công ty Sobexco). Hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ cho đến khi công ty này giải thể, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản thu hồi đất của Công ty Sobexco số đất trên. Trong đó, giao cho dân đã nhận khoán trước: 320,24ha; bán thẳng vườn cây cao su cho người sử dụng 306,979ha; đấu giá vườn cây cao su: 352ha; đấu giá đất chuyên dùng: 0,918ha.

Ông Cung cũng là “dân” nên được giao phần đất nằm trong diện “giao cho dân đã nhận khoán trước: 320,24ha” thuộc khu đất lâm trường Long Nguyên tại ấp 8, xã Long Nguyên (huyện Bến Cát). Ngày 9-9-2003, UBND tỉnh có công văn về việc chấp thuận giao 320,7ha đất trước đây do Công ty Sobexco quản lý cho UBND huyện Bến Cát quản lý và xem xét giao đất sản xuất nông nghiệp cho người dân có nhu cầu theo thẩm quyền.

Căn cứ vào công văn nói trên của UBND tỉnh, UBND huyện Bến Cát đã thực hiện giao đất theo thẩm quyền trên cơ sở sổ xanh đổi sổ đỏ. Không quá ngạc nhiên khi, ông Phó chủ tịch Cung cũng nằm trong danh sách các hộ dân được giao đất. Diện tích đo đạc lại khi cấp sổ đỏ là 320,24ha. Trong đó, cấp sổ đỏ cho 112 hộ dân: 283,53ha; diện tích hành lang đường: 9,61ha; đất khu dân cư ấp 8 Long Nguyên: 24,3ha; đất bãi rác: 2,8 ha.

Trong 112 hộ dân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 283,53ha, ông Cung đứng tên hàng chục hécta đất. Một Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương thời bấy giờ từng phải làm giải trình trong việc phân cấp đất của Công ty Sobexco đã để lại bút tích về việc có ít nhất 3 cán bộ được cấp đất trong đợt này. Bản viết tay thể hiện: “Cán bộ: 9 CungPhó chủ tịch, Út ĐoànPhó chủ tịch, Út Tuyền (Ban TC)”. Báo cáo Kết quả Thanh tra của tỉnh Bình Dương có đề cập đến diện tích đất mà ông Cung được giao nhưng không nhắc đến việc thu hồi phần đất của ông Lê Thanh Cung.

Cần làm rõ nguồn gốc đất và thu nhập

Trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới, Luật sư Nguyễn Văn Hậu đưa ra dẫn chứng, căn cứ vào thời điểm xảy ra sự việc và các quy định tại Nghị định số 85/1999/NĐ-CP ngày 28-8-1999 của Chính phủ để xác định tính pháp lý của các quyết định giao đất nông nghiệp của UBND huyện Bến Cát đối với ông Lê Thanh Cung. Vị Phó chủ tịch tỉnh được giao hàng chục hécta đất cao su là bất thường, trái với quy định của pháp luật.

Điều 8 Nghị định 85/NĐ-CP quy định: “Đối với cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước và bộ đội về hưu hoặc nghỉ mất sức đang hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên, nếu có khả năng sản xuất, có nhu cầu sử dụng đất, thì UBND xã, phường, thị trấn căn cứ vào quỹ đất ở tại địa phương và tùy theo đối tượng cụ thể mà cho họ được thuê có thời hạn một số đất để sản xuất…”.



Vườn cao su của gia đình ông Cung

Căn cứ theo quy định trên, UBND huyện Bến Cát giao đất nông nghiệp cho ông Lê Thanh Cung là vi phạm về đối tượng được giao đất. Theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 85/1999/NĐ-CP thì chỉ hộ gia đình, cá nhân trực tiếp lao động nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối mà nguồn sống chủ yếu là thu nhập có được từ hoạt động sản xuất đó, được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận, thì được Nhà nước giao đất trong hạn mức để sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối và không thu tiền sử dụng đất.

Luật sư Hậu khẳng định: “Khi đó, ông Lê Thanh Cung đang là Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nên không thể là đối tượng để được giao đất nông nghiệp theo quy định trên”. Quy định tại khoản 5 Điều 1 Nghị định 85/1999/NĐ-CP thì các đối tượng là cán bộ, công chức Nhà nước đang sinh sống tại địa phương chỉ được thuê đất từ quỹ đất công ích của UBND xã để sử dụng vào mục đích nông nghiệp.

Ngoài ra, UBND huyện Bến Cát còn vi phạm về hạn mức giao đất nông nghiệp. Theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định 85/1999/NĐ-CP thì hạn mức giao đất nông nghiệp để trồng cây lâu năm là không quá 10ha. Do đó, việc giao 50ha đất nông nghiệp trồng cây lâu năm cho một cá nhân, hộ gia đình là trái quy định pháp luật.

Ngày 26-12-2000, Tổng cục Thuế đã có công văn trả lời về chính sách thu đối với Công ty Sobexco cho Cục Thuế tỉnh Bình Dương. Khi công ty không có nhu cầu sử dụng đất thì diện tích đất nông nghiệp phải được trả lại cho Nhà nước để giao cho các đơn vị khác sử dụng theo hình thức giao đất hoặc cho thuê đất. Công ty chỉ được phép bán giá trị tài sản trên đất như: cây cao su và các cơ sở hạ tầng khác nếu có.

Luật sư Hồ Nguyên Lễ, Trưởng văn phòng Luật sư Luật Tín Nghĩa đưa ra ý kiến về việc thu thuế thu nhập của ông Lê Thanh Cung. Nếu ông Lê Thanh Cung không nộp thuế thu nhập cá nhân là hành vi phạm pháp, cần xử lý!

Luật sư Lễ đánh giá: “Một cá nhân thu nhập trên 64 tỉ đồng trong 5 năm, đây là một khoản thu nhập “khủng” nên theo tôi cơ quan thuế phải kiểm tra chặt chẽ về trách nhiệm nộp thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao (trước đây) hoặc nộp thuế thu nhập cá nhân (hiện nay)”. Trách nhiệm của người nộp thuế là kê khai nộp thuế phải rõ ràng, đầy đủ nộp thuế vào ngân sách Nhà nước và quyết toán thuế đối với mọi khoản thu nhập theo quy định của pháp luật về quản lý thuế (Điều 24 Luật Thuế thu nhập cá nhân).

Nếu cơ quan quản lý thuế phát hiện cá nhân, tổ chức có vi phạm pháp luật về thuế thì có quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử lý vi phạm pháp luật về thuế theo quy định của pháp luật và kiến nghị cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh tội phạm vi phạm pháp luật về thuế theo quy định của pháp luật và thông báo tiến độ, kết quả xử lý vụ việc cho cơ quan quản lý thuế. (Điều 9, Điều 13 Luật Quản lý thuế).

Uống nước từ huyệt mộ 200 tuổi để chữa bệnh


Kể từ ngày người dân xã Trực Hùng, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định tận mắt nhìn thấy bộ hài cốt của cụ Đỗ Tựu, nhà thờ Lác Môn (nằm trên địa bản xã Trực Hùng) ngày nào cũng tấp nập người từ khắp nơi kéo đến. Trước thì người ta xin những dúm bông thấm máu từ bộ hài cốt, sau người ta thi nhau mang theo can, chai đến lấy nước từ huyệt mộ về uống để chữa bệnh
Gần hai trăm năm dưới lòng đắt, hài cốt vẫn chảy máu?

Khi tôi hỏi thăm đường đến nhà thờ Lác Môn, những người dân ở tận huyện bên kia sông (Nam Trực) đã sốt sắng: “Đến xin ơn “thánh Tựu” đúng không?”. Mấy bà cười móm mém: “Vào nhanh đi con, tranh thủ buổi trưa vào mà xin thánh, kẻo đến chiều lại không có chỗ mà chen đâu.”

Tôi chưa kịp có phản ứng gì, các bà đã thay nhau kể cho tôi nghe về “thánh Tựu. Rằng cụ Đồ Tựu là người sống từ thời còn vua Tự Đức, “hồi đấy cấm đạo ghê lắm, nhà “thánh Tựu” bị bắt cả hai anh em, người em sợ quá bảo là sẽ bỏ đạo nên được thả về, còn người anh thì nhất quyết không nên bị chém đầu”.




Di cốt của cụ Đỗ Tựu khi mới được đào lên.Ảnh Vietnamnet

Tám người bị chém theo sắc lệnh cấm đạo vua Tự Đức ra năm 1848 nhưng chỉ có sáu người được chôn ở gần chợ của xã. Đến năm 1958, di cốt của các cụ được chuyển vào trong khuôn viên nhà thờ, cùng chôn ở mộ Đài (mộ chôn tập trung) nhưng khi đó không ai mở nắp tiểu sành ra nên không rõ bên trong thế nào. Chỉ đến tháng 7 năm 2009, giáo xứ Lác Môn mờ rộng khoảng sân bao quanh nhà thờ nên phải di dời mộ phần đi nơi khác. Khi mộ phần của năm giáo dân bị bêu đầu năm xưa được đào lên thì những chiếc tiểu chỉ còn lại dúm đất và mảnh đồng nhỏ ghi tên tuổi của người nằm trong đó. Đến khi linh mục Nguyễn Đức Trọng mở nắp tiểu thứ sáu thì những người đứng xung quanh tá hòa, mặt cắt không còn một giọt máu.

Ông Đoàn Văn Bân 74 tuổi, là người có mặt lúc cha xứ mở nắp tiểu, kể: “Cha vừa mở nắp tiểu ra, lạy Chúa tôi bao nhiêu là máu, máu cả ở dưới đáy tiểu, cả ở những lóng xương rỉ ra. Trong tiểu không có đầu lâu vì ngài đã bị vua Nguyễn bêu đầu rồi mà”. Ông Nguyễn Văn Huấn nhanh nhảu chen vào: “Hôm ấy tôi cũng tham gia vào việc đào đất di dời mộ, lúc thấy nước đỏ chảy ra, lại có mùi tanh như máu tươi, tôi hãi quá ngất lịm đi, không còn biết trời đất gì nữa. Mấy chục năm bốc mộ thuê mà chưa bao giờ tôi sợ đến mức ngất đi như thế cả”.

Việc máu từ xương chảy ra tiểu sành nhanh chóng lan ra khắp xã, người từ khắp các ngõ rầm rập chạy đến, vừa chạy vừa kêu: “Cụ Đỗ Tựu hiển thánh rồi. Giáo dân kéo đến đông nghịt sân nhà thờ, vòng trong vòng ngoài xung quanh ngôi mộ. “Mọi người chen đến đông lắm, ai cũng đòi quệt máu của ngài nhung cha xứ không cho. Chờ đến khỉ cha hứa là sẽ lấy bông thấm máu rồi chia cho mọi người thì mọi người mới chịu, chứ chen lấn, xô đẩy kinh lắm” – ông Bân nhớ lại – “Mà ngài hiển thánh thật đấy, không thì tại sao gần hai trăm năm mà phần xương của ngài vẫn còn nguyên xi, những ông khác thì chả còn cái gì cả?”.


Ô tô nối đuôi nhau tới xem bộ hài cốt, náo động cả một vùng quê.Ảnh Vietnamnet

Số bông thấm máu được chia nhỏ tẹo như đầu tăm bông mà vẫn không đủ để chia cho mọi người, những người chậm chân đến sau cứ ời ời kêu tiếc. Không có được bông thấm máu của cụ Tựu, nhiều người đến trước tủ kính đựng di cốt của cụ cứ thế lấy khăn, lấy vải di di trên mặt kính để “xin ngài ban phước, cất hết bệnh tật của con đi”.
Xin nước trong huyệt mộ về chữa bệnh

Việc di cốt của cụ Đỗ Tựu chảy máu, hiển thánh cứu giúp giáo dân lan ra khắp mọi nơi, ngày nào cũng có những đoàn người và xe ùn ùn kéo đến. Từ miền Trung, miền Nam cũng có nhiều người khăn gói quả mướp, cơm nắm muối vừng ra Bắc, đến Lác Môn xin ơn. Rồi chẳng biết từ bao giờ, người Lác Môn có câu: ‘Thứ nhất là thánh La Vang; thứ nhì xứ Lác, thứ ba họ Bùi” (thánh địa La Vang thuộc huyện Hài Lăng, tỉnh Quảng Trị, Lác Môn và Bùi Chu thuộc Nam Định) để nói về sự linh thiêng của “thánh Tựu” nơi họ.

Hai năm làm công việc trông coi nhà thờ và nơi đặt di cốt “thánh Tựu”, ông Bân kể: “Mọi người đến xin ơn ngài, ô tô to ô tô bé đỗ chật kín đường làng. Người ta mang can to can nhỏ đến đề lấy nước trong huyệt mộ cũ. Múc đến cạn trơ đáy, nước đục ngầu toàn bùn là bùn. Có bà ở Ninh Bình múc can nước lên bảo: “Thối quá ông ạ, vừa đục vừa thối thế này thì uống làm sao được!”. Thế mà bà ấy mang về đến nhà rồi thì lạy Chúa tôi, nước lại trong vắt và không có mùi gì. Một bà khác ở Hải Phòng, mang hai can nước về nhà rồi nhưng khi bà ấy bảo với chồng rằng lấy nước dưới huyệt mộ của ngài thì ông này bắt mang ra ao đổ. Nhưng lạy Chúa tôi, nước đổ đến đâu, nước ao loang đỏ đến đấy… Tên tuổi của những người được ngài ban ơn đều có cả đấy, họ được ngài chữa khỏi nên quay lại để tạ ơn’.

Hàng trăm tấm bảng tạ ơn bằng gạch men trắng in chữ xanh được gắn kín trên bức tường trong nhà thờ cụ Tựu. Người tạ ơn vì khỏi bệnh điên sau 18 năm. Người lại tạ ơn vi chồng đã hết cờ bạc… Lại còn có người tạ ơn vì đă khỏi được bệnh… si-đa giai đoạn cuối??? Tôi hỏi: “Vậy có nhiều người trong làng được “ngài” ban cho khỏi bệnh hay không?”, ông Bân bảo: “Toàn người phương xa được ngài ban ơn thôi chứ ở làng thì ít lắm. Nhưng cũng có đấy, cô cứ vào trong làng mà hỏi”.


Nhiều người chờ đợi bên ngoài chờ tới lượt được vào tận mắt chứng kiến hài cốt của ông Đỗ Tựu. Ảnh internet.

Người ta chỉ cho tôi nhà bà Phan Thị Uẩn, nhà ờ gần bến phà Ninh Cường. Chỉ có mình bà ở nhà bán hàng tạp hóa nho nhỏ. Chồng bà đi làm, con cháu thì toàn ở xa. Bà kể, trước đây một nửa trong tổng số 12 đứa cháu nội ngoại của bà luôn ốm đau quặt quẹo, có nuôi mà không có lớn. Bà sang nhà thờ Lác Môn, quỳ trước bộ xương của “thánh Tựu” cầu xin cho các cháu khỏe mạnh. “Từ bấy, chúng nó ít ốm đau hẳn. Bản thân tôi bị dạ dày, đã bục mấy lần nhưng từ ngày xin ngài, chả thấy cái dạ đày đau nữa“, bà Uẩn nói

– “Bà xin bằng cách nào ạ?” – Tôi hỏi.

– “Tôi chậm chân không lấy được bông thấm máu của ngài nên mang chai ra huyệt xin nước về uống”

– “Nhưng uống nước trong huyệt mộ, nghe đã thấy ghê ghê?”

– Ghê gì?! Nước trong vắt như nước mưa ấy, chả có mùi gì cả. Hàng nghìn người uống mà có ai làm sao đâu, lại còn khỏi bệnh nữa. Sống phải biết tin chứ. Tin thì sẽ được, tìm thì sẽ thấy cô ạ.

Đúng là sống thì cần có niềm tin. Nhưng tin mà phản khoa học đến mức chen nhau lấy máu từ bộ xương gần hai trăm năm tuổi, đến múc lấy nước trong huyệt mộ về uống như ông Bản, bà Uẩn và hàng ngàn người mê tín khác kéo đến nhà thờ Lác Môn thì đúng là mù quáng!

Chiếc quan tài dựng đứng và lời đồn cả làng bị báo oán


Mấy năm trở lại đây, ngôi làng Đại Trạch (xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) xảy ra rất nhiều chuyện đau lòng, chết chóc, tang thương.

Người không tín thì nói đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng những người tín thì bảo rằng làng bị động do đã xâm phạm khu đất xưa kia là một ngôi miếu thiêng của làng.

Những cái chết đau lòng

Gần đây, khi rộ lên những lời đồn thổi về việc động chạm đến ngôi miếu thiêng khiến cả làng phải gặp nhiều xui xẻo thì dân làng Đại Trạch mới bắt đầu xâu chuỗi lại những sự việc đau lòng trong làng và không ít người hoang mang. Đầu tiên là một vụ án xảy ra trong một gia đình, khi anh con rể bình thường thì hiền lành, chăm chỉ mà hôm ấy không hiểu làm sao trong cơn tức giận cãi vã thế nào vung dao đâm chết mẹ vợ khiến cả làng bàng hoàng. Rồi đến vụ một đôi trai gái yêu nhau nhưng bị gia đình nhà gái ngăn cản, chàng trai bị trầm cảm suốt một thời gian dài, một hôm giữa đêm khuya đã lẻn vào nhà cô gái hạ sát người tình.

Đáng thương nhất là chuyện của một gia đình trong làng, một lúc mà cả 5 người (trong đó có một phụ nữ đang mang thai) cùng chết vì nguyên nhân hết sức… khó tin. Chuyện là vào mùa gặt thì tất cả mọi người trong gia đình ấy đều đi ra đồng gặt hái, chỉ còn một bà cụ già ở nhà nấu cơm. Do mắt kém, bà cụ nhìn nhầm lọ thuốc diệt mối tưởng mì chính nên bỏ vào nồi canh. Hôm ấy 6 người trong gia đình, chỉ có một cháu bé là thoát chết. Một người hàng xóm vẫn còn bàng hoàng, ám ảnh kể lại: “Sau vụ ấy, mất một thời gian cả làng cứ vắng tanh, ban đêm ra đường ai nấy đều rờn rợn, nhiều người chập tối đã cửa đóng then cài. Nhớ lại hôm ấy thật là đau lòng, xác người này vừa đưa về thì lại có điện thoại trên bệnh viện báo về có thêm một người chết. 5 người, 6 mạng, 5 chiếc quan tài lần lượt ra đồng, cả làng đều rơi nước mắt, ám ảnh đến mấy tháng trời”. Sau đó liên tục làng có những cái chết tang thương như một anh thợ khoan cắt bê tông khi làm việc cho nhà chùa thì bị rơi từ tầng cao xuống và bị bê tông đè chết. Gần đây nhất là hồi giữa năm 2013, cả làng lại được phen xôn xao hoang mang khi liên tiếp trong một tháng mà trong làng có đến gần chục người chết do tai nạn và bệnh hiểm nghèo. Đặc biệt khi sư thầy trụ trì chùa làng dù còn trẻ cũng không may qua đời, không những thế, chị gái của sư thầy cũng mất, suốt cả tháng trời tiếng tụng kinh, gõ mõ cầu bình an ở trong chùa vọng ra cũng khiến những người dân trong làng hoang mang.

Không chỉ những cái chết tức tưởi mà ở làng còn xảy ra những chuyện trái luân thường đạo lý, đáng căm phẫn nhất là vụ cách đây mấy năm, một thầy giáo vốn được coi là hiền lành, dạy giỏi ở một trường tiểu học trên địa bàn xã đã bị phanh phui hành vi hiếp dâm 5 học sinh tiểu học. Hồi ấy, cả xã cũng đã rộ lên tin đồn mảnh đất gia đình thầy giáo này ở bị ma quỷ ám nên mới không tự chủ được hành vi. Trong lá đơn kêu cứu cho chồng, người vợ đáng thương của hung thủ cũng viện ra lý do chồng bị… ma, quỷ ám những mong chồng được giảm nhẹ hình phạt…

Phạm phải miếu thiêng

Trước đây, ở khu vực đầu làng Đại Trạch có một ngôi miếu, nghe đâu được xây dựng từ thời Pháp thuộc rất thiêng, thờ Tứ đại Thánh nương, đến nay dù miếu không còn nhưng người dân vẫn cung kinh gọi miếu này là “Miễu”. Ông Nguyễn Văn Dư, một cao niên trong làng cho biết ngôi miếu trước đây được coi là một trong hai chìa khóa giữ của của làng, được xây dựng rất công phu và thờ cúng cẩn thận. Trước đây, luật bất thành văn bất cứ ai đi qua cũng phải ngả mũ cung kính, kể cả quan chức khi đi qua cũng phải xuống ngựa dắt bộ. “Ngay đến thời tôi, bất kỳ ai đi qua cũng phải ngả nón, ngả mũ xuống chứ không ai dám làm sai”.

Miếu không còn nhưng dân làng Đại Trạch vẫn lưu truyền nhiều câu chuyện ly lỳ. Có gia đình ông tên là Phạm đấu thầu cái hồ phía trước miếu cổ vốn được dân làng gọi là hồ Cửa Phủ. Cứ đến vụ thu hoạch, đêm hôm trước ông huy động máy móc hút gần cạn hồ để sáng hôm sau bắt cá thì y như rằng đêm hôm ấy trời đổ mưa gió bão bùng, sáng hôm sau nước lại ngập trắng hồ, bao nhiêu vụ cũng không thu hoạch được.

Ông Phạm Văn Mỹ, một người sống cạnh khu vực miếu cho biết, có lẽ do trước đây khu vực này là bãi tha ma hay nơi tập kết quân sự nên khi các hộ dân ra đào đất làm gạch đã đào được vô số hài cốt, có cái có tiểu, có cái thì không. Những gia đình làm gạch ở đây đã bảo nhau chôn lại những hài cốt này và lập một chiếc miếu mới để thờ cúng. Dù vậy, những chuyện xui xẻo vẫn liên tục xảy ra, hầu hết những gia đình đấu thầu đất ở đây kinh tế đều sa sút. Không những thế, trong quá trình làm gạch thì mấy người cũng bị “bỏ mạng” trên mảnh đất này. Có hai cháu bé khi theo bố mẹ ra đây làm gạch bị sa xuống hố chết, một bà cụ sinh sống ở đây giữa ban ngày ra hố nước rửa chân cũng bị ngã xuống nước mà chết. Một người vừa nhận đất thầu được mấy hôm thì chẳng may lại bị máy gạch nghiến nát một chân. Có ông đào được mấy cái hồ lô bằng sứ, dân làng khuyên trả lại chỗ cũ rồi cúng bái nhưng không nghe, ít lâu sau cũng ngã xuống hố mà chết.

Nhưng những lời đồn thổi chỉ thực sự khiến người dân hoang mang khi có một người trong làng nhưng hiện nay định cư tận bên Hàn Quốc, cả chục năm không về quê bỗng một ngày gọi điện về nhà hỏi xem họ hàng có ai bị làm sao không. Người nhà cho biết có một người thân vừa bị chết đuối, vì xa xôi quá nên không báo với anh này. Bấy giờ anh này mới cho biết là ở bên ấy có gặp một ông thầy bói gốc Việt, ông thầy cho biết ở quê nhà đang bị “động”, có người nhà bị mất mạng, nếu không làm lễ giải hạn thì làng sẽ còn gặp nhiều tai ương. Thấy có sự trùng hợp, từ gia đình rồi làng xóm bàn ra tán vào, ai nấy đều sợ hãi, nhiều gia đình đã phải mới thầy về làm lễ giải hạn.

Trao đổi với chúng tôi, cụ Trượng, một cao niên trong làng cho rằng khu vực miếu cổ là nơi cư ngụ của hàng nghìn vong hồn mà giờ đây người dân xẻ thịt đất tan hoang nên các vong hồn mới nổi giận trừng phạt dân làng. Trong hàng trăm ngôi mộ được đào được ở đây, có một chiếc quan tài được chôn dựng đứng ngay cạnh ngôi miếu, nhiều người cho rằng đây chính là chiếc quan tài “trấn yểm” khu đất này.

Chỉ là tin đồn nhảm

Tiếp xúc với chúng tôi, người dân Đại Trạch có người thì khẳng định chuyện ngôi cổ miếu nổi giận là có lý, có người lại khẳng định không tin những lời đồn đại. “Lời đồn cũng từ miệng người mà ra, người nọ nói đến người kia thành ra có người mới hoang mang, chứ ở đâu chả có những vụ án mạng, có người chết như vậy. Tôi sống cạnh đây nhưng cũng không thấy có gì đáng sợ cả, năm ngoái có tháng chết đến gần chục người thật nhưng có người tai nạn, có người bị bệnh đã lâu chết cũng là chuyện thường tình” – chị Nguyễn Thị Hướng, người dân thôn Đại Trạch cho biết.

Cùng quan điểm đó, ông Nguyễn Văn Tập, trưởng thôn Đại Trạch cũng cho rằng những lời đồn thổi đó là do những người mê tín dị đoan, khi làng có nhiều chuyện đau lòng đã lồng ghép vào mà thổi phồng lên. Còn người dân, do nhận thức hạn chế nên trước những sự việc đau lòng, họ không thể giải thích nổi và khi nghe những lời đồn thổi này thì càng tin là miếu cổ nổi giận mà lo sợ hoang mang. “Thôn Đại Trạch là một trong những thôn đông dân nhất xã Đình Tổ với khoảng 6.000 người nên lúc cao điểm có khoảng gần chục người chết trong một tháng, phần lớn do tuổi cao, bệnh tật thì cũng không có gì là lạ” – ông Tập khẳng định. Ông cũng cho rằng những việc trái luân thường đạo lý do sự suy đồi đạo đức của con người mà gây ra. Còn những vụ án đau lòng xảy ra trong thôn cũng có nguyên nhân sâu xa, mâu thuẫn lâu ngày hoặc do sự bất cẩn của con người chứ không phải ma xui quỷ khiến gì cả.