Ngã ngửa khi biết con gái 13 có bầu 5 tháng


Khi con gái vừa qua sinh nhật tuổi 13 được 2 tháng thì người mẹ chợt nhận ra con mình mập ra nhanh quá. Lúc đầu chị cũng chỉ mắng yêu con đi học đừng ăn nhiều đồ linh tinh người ta bán ngoài đường vừa không vệ sinh, vừa dễ bị mập, xấu gái lắm. Ngắm kỹ con, toàn thân chị bỗng nổi da gà: Sao nó có nhiều dấu hiệu như người mang bầu vậy? Hỏi chuyện “thấy tháng” của con (con chị bắt đầu thấy tháng từ giữa năm 12 tuổi), nó nói tháng có tháng không nên cũng không để ý. Chị tức tốc đưa con đến một phòng khám tư và kết quả khiến chị vô cùng choáng váng: Con gái chị mang bầu bước sang tháng thứ 5 rồi! Tra hỏi con đã làm chuyện đó với ai, ở đâu, ban đầu con gái chị còn nhất định chối cãi. Mãi sau nó mới thú nhận một anh học trên nó 2 lớp đã bày tỏ tình yêu với nó và anh có dẫn nó về nhà “chơi trò yêu nhau” vài lần. Nó không hề hay biết mình đã mang bầu…

Người mẹ kể với tôi rằng, câu chuyện trên đây xảy ra đã mười mấy năm rồi mà chị vẫn không thể nào xua hết nỗi ám ảnh trong lòng mình về cái ngày vợ chồng chị đành phải bí mật quyết định đưa con đi tiêm thuốc phá thai mà không cho nó biết. Chị khóc nức nở hỏi tôi rằng nếu ở vào hoàn cảnh của chị lúc đó thì liệu chị có cách giải quyết nào tốt hơn không? Chẳng lẽ để một đứa trẻ chưa tròn 13 tuổi phải làm mẹ trong khi kẻ gọi là bố cũng mới chỉ 15 tuổi? Đã thế, khi bị bố mẹ tra hỏi, cậu ta sợ chối bay chối biến, nói rằng không hề làm chuyện đó với con gái chị. Để kiện cậu ta ra tòa thì tòa sẽ xét xử ra sao với một đứa trẻ vị thành niên? Và nếu làm thế, tương lai con gái chị sẽ ra sao đây với điều tiếng rùm beng trong ngoài đều biết? Bố mẹ cậu ta cũng không hề tỏ ra áy náy lương tâm, muốn giữ lại giọt máu của con trai họ. Họ lại còn cả vú lấp miệng em, nói vợ chồng chị không biết dạy con, để mới tý tuổi đầu đã hư thân mất nết…

Chị nói với tôi rằng, dù biết việc làm của mình là nhẫn tâm, là thất đức nhưng thực sự vợ chồng họ không còn sự lựa chọn khác. Chị nói đến giờ, thỉnh thoảng chị vẫn nghe văng vẳng bên tai tiếng kêu gào, la hét của đứa con gái trong cơn chuyển dạ đẻ bắt buộc. Tiếng nó gọi chị trong tuyệt vọng: “Mẹ ơi con đau lắm, mẹ ơi con chết mất. Mẹ ơi cứu con với”…

Và từ sau ngày bỏ đứa con về nhà, con gái chị hoàn toàn trở thành người khác. Nó bắt chị đóng chặt cửa phòng, không cho một ai lai vãng. Có lúc mắt nó đờ ra như kẻ vô hồn, rồi nó lại òa khóc nức nở: “Sao mẹ lại cho người ta giết con của con?”. Có khi cả ngày con gái chị chỉ nằm bẹp trên giường, mắt trân trân nhìn lên trần nhà, không nói một lời nào. Tình trạng đó kéo dài hơn 2 tháng mà không hề có chiều hướng hồi phục. Vợ chồng chị lo lắng đưa con đi khám thì được bác sĩ chẩn đoán cháu bị sốc tâm lý rất nặng, việc điều trị sẽ rất khó khăn và mất thời gian.



Hy vọng rằng mỗi tuổi lớn khôn hơn, con chị sẽ vượt qua chấn thương tâm lý, lấy lại lòng tin vào cuộc sống (Ảnh minh họa)

Rồi gia đình chị đã phải bán nhà chuyển đến một thành phố khác để sinh sống với mong muốn quá khứ đau buồn của con không còn ai biết đến. Rồi con gái chị cũng dần hồi phục và đi học trở lại. Cháu vẫn học hành chăm chỉ, ngoan ngoãn, vâng lời ba mẹ nhưng không hề vui vẻ, cởi mở như trước đây, càng rất ít có bạn bè qua lại chơi bời, kể cả bạn nữ. Vợ chồng chị cứ tự nhủ chắc qua vấp ngã thời thơ dại, giờ con chị như chim gặp cây cong, sống thu mình lại. Hy vọng rằng mỗi tuổi lớn khôn hơn, con chị sẽ vượt qua chấn thương tâm lý, lấy lại lòng tin vào cuộc sống.

Nhưng giờ thì con gái chị đã 30 tuổi mà vẫn chưa một lần dẫn người bạn trai nào về ra mắt bố mẹ. Chị mới hiểu rằng, tâm bệnh của con mình chưa khỏi hẳn. Nhiều lần chị tế nhị nhắc khéo con về chuyện con gái có thì, nếu có ai thương yêu thì cũng phải tính đến chuyện lập gia đình đi nhưng nó đều im lặng hoặc lảng sang chuyện khác. Sốt ruột, không thể bị động ngồi chờ con được nữa, vợ chồng chị và gia đình, bạn bè đã vài lần “thiết kế” cho con gái tiếp xúc với các chàng trai con bạn bè thân quen. Song nếu vô tình phải tiếp ai đó ở nhà thì nó cũng chỉ làm mỗi nhiệm vụ pha trà, mời họ uống nước, rồi ngồi im, tịnh không chủ động chuyện trò khiến đối phương kiên trì lắm cũng chỉ tới nhà được vài ba lần là thôi.

Cuối tuần vừa qua, vì biết trước bố mẹ lại gọi về “xem mặt” một anh chàng nên con chị cáo bận việc công ty không về nhà. Bất lực quá, chị gọi điện khóc với con: “Bố mẹ biết làm gì với con đây? Con định sống cả đời cô quả hay sao”? Không ngờ con chị trả lời mẹ lạnh tanh: “Một người mẹ đang tâm giết bỏ đứa con đã có đủ hình hài, biết cựa quậy, đã có trái tim biết đập thì có xứng đáng để được làm mẹ nữa hay không”?

Một tình yêu lầm lạc ở tuổi thơ ngây dường như đã giết chết tương lai, hạnh phúc cả một đời con gái chị. Đó chính là điều khiến chị đau đớn tận tâm can. Chị hỏi chị phải làm gì đây để cứu con mình? Tôi vừa động viên người mẹ tội nghiệp vừa chia sẻ một vài phương án. Có thể làm từ thiện tại bệnh viện. Có thể đi đến những vùng khó khắn. Hy vọng, những chia sẻ ấy sẽ vá lành tâm hồn và trái tim bị thương tổn quá nặng nề của con gái chị, cháu có thể nhận ra, hạnh phúc cũng cần có cơ hội mới ùa tới được. Phải kiên nhẫn chờ đợi thôi. Cũng không thể trách người làm cha mẹ ở đây đã không biết răn dạy con mình. Bởi việc giáo dục, dạy bảo một con người là cả cuộc đời mà nhiều khi sai lầm đến với người ta chỉ trong tích tắc.

Nguồn GĐHP